Bối cảnh Chiến_tranh_giải_phóng_Bangladesh

Vào tháng 8 năm 1947, hai quốc gia Pakistan và Ấn Độ chính thức thành lập.[15] Quốc gia tự trị Pakistan gồm hai khu vực riêng biệt về địa lý và văn hóa ở phía đông và phía tây, cách biệt qua Ấn Độ.[16] Khu vực phía tây được gọi phổ biến là Tây Pakistan còn khu vực phía đông (nay là Bangladesh) ban đầu được gọi là Đông Bengal và sau được gọi là Đông Pakistan. Mặc dù dân số của hai khu vực gần như ngang bằng, song quyền lực chính trị tập trung tại Tây Pakistan và có nhận thức rộng rãi rằng Đông Pakistan bị lợi dụng về mặt kinh tế, gây nên nhiều bất bình. Việc quản lý hai lãnh thổ không liền kề cũng được xem là một thách thức.[17] Một chính đảng Đông Pakistan (Liên minh Awami) giành thắng lợi trong tổng tuyển cử năm 1970, song giới cầm quyền tại Tây Pakistan từ chối trao lại quyền lực, làm gia tăng bất mãn chính trị và chủ nghĩa dân tộc văn hóa tại Đông Pakistan, lực lượng của giới cầm quyền dùng vũ lực đàn áp.[18]

Hành động trấn áp mang tính bạo lực của Quân đội Pakistan[19] khiến thủ lĩnh của Liên minh Awami là Sheikh Mujibur Rahman tuyên bố Đông Pakistan độc lập với tên gọi Bangladesh vào ngày 26 tháng 3 năm 1971.[20] Tổng thống Pakistan Agha Mohammed Yahya ra lệnh cho Quân đội Pakistan khôi phục quyền lực của chính phủ trung ương, nội chiến bắt đầu.[20] Chiến tranh dẫn đến dòng người đi tị nạn (ước tính khoảng 10 triệu)[21][22] tràn vào miền Đông Ấn Độ.[21]

Tranh luận ngôn ngữ

Diễu hành vào ngày 21 tháng 2 năm 1952 tại Dacca.

Năm 1948, Toàn quyền Pakistan đầu tiên là Mohammad Ali Jinnah tuyên bố tại Dacca rằng "Urdu, và chỉ có Urdu" sẽ là ngôn ngữ chung của toàn Pakistan.[23] Điều này gây tranh luận cao độ, do tiếng Urdu chỉ là ngôn ngữ của người Muhajir (ở phía tây) và người Bihar (ở phía đông), mặc dù tiếng Urdu được các lãnh đạo chính trị và tôn giáo xúc tiến để trở thành ngôn ngữ chung của người Hồi giáo tại Ấn Độ. Ngôn ngữ được cho là một yếu tố quan trọng đối với văn hóa Hồi giáo của người Hồi giáo Ấn Độ; tiếng Hindi và chữ Devanagari thì được nhìn nhận là nền tảng của văn hóa Ấn Độ giáo. Đa số người phía tây của Quốc gia tự trị Pakistan nói tiếng Punjab, trong khi tiếng Bengal là ngôn ngữ của đại đa số người Đông Bengal (từ năm 1956 là Đông Pakistan).[24] Tranh luận về ngôn ngữ cuối cùng lên đến đỉnh điểm khi Đông Bengal nổi dậy trong khi những nơi khác tại Pakistan vẫn yên ổn mặc dù tiếng Punjab là ngôn ngữ của đa số cư dân phía tây. Một số sinh viên và thường dân thiệt mạng trong một cuộc trấn áp của cảnh sát vào ngày 21 tháng 2 năm 1952.[24] Tại Bangladesh và Tây Bengal, ngày này được kỷ niệm với tên gọi Ngày Liệt sĩ ngôn ngữ. Đến năm 1999, nhằm kỷ niệm sự kiện năm 1952, UNESCO tuyên bố ngày 21 tháng 2 là ngày Ngôn ngữ mẹ đẻ quốc tế.[25]

Chênh lệch

Mặc dù Đông Pakistan có dân số đông hơn, song Tây Pakistan chiếm ưu thế trong chính trị quốc gia và nhận được ngân sách lớn hơn.

NămChi tiêu tại Tây Pakistan (triệu rupee Pakistans)Chi tiêu tại Đông Pakistan (triệu rupee Pakistan)Tỷ lệ của Đông so với Tây
1950–5511.2905.24046,4
1955–6016.5505.24031,7
1960–6533.55014.04041,8
1965–7051.95021.41041,2
Tổng113.34045.93040,5
Nguồn: Reports of the Advisory Panels for the Fourth Five Year Plan 1970–75, Vol. I,
Ủy ban kế hoạch hóa của Pakistan xuất bản.

Người Bengal không có đại diện đầy đủ trong Quân đội Pakistan, các sĩ quan có nguồn gốc Bengal trong quân đội chỉ chiếm 5% vào năm 1965; trong số đó chỉ có một số là nắm giữ các chức vụ chỉ huy, và đa số nắm giữ các chức vụ kỹ thuật hoặc quản trị.[26] Người Tây Pakistan cho rằng người Bengal không dũng cảm như người Pashtunngười Punjab; quan điểm "các Chủng tộc thượng võ" bị người Bengal cho là lố bịch và sỉ nhục.[26] Hơn nữa, mặc dù chi tiêu quốc phòng ở mức lớn, song Đông Pakistan không nhận được lợi ích, như các hợp đồng, mua sắm và các công việc hỗ trợ quân sự. Chiến tranh Ấn Độ-Pakistan 1965 về vấn đề Kashmir cũng khiến người Bengal bừng tỉnh về cảm giác bất an quân sự, do họ chỉ có một sư đoàn bộ binh không đủ mạnh và 15 chiến đấu cơ, không có xe tăng để có thể ngăn chặn bất kỳ vụ trả đũa nào của Ấn Độ trong xung đột.[27][28]

Khác biệt chính trị

Mặc dù Đông Pakistan chiếm đa số ở mức thấp trong dân số quốc gia,[29] song quyền lực chính trị vẫn nằm trong tay người Tây Pakistan. Do một hệ thống đại diện chỉ dựa theo dân số sẽ khiến tập trung quyền lực chính trị tại Đông Pakistan, người Tây Pakistan đưa ra kế hoạch "Một đơn vị" mà theo đó toàn bộ Tây Pakistan được xem là một tỉnh. Sau vụ ám sát thủ tướng đầu tiên của Pakistan là Liaquat Ali Khan vào năm 1951, quyền lực chính trị bắt đầu được trao cho Tổng thống Pakistan, và cuối cùng là giới quân sự.

Người Đông Pakistan nhận thấy rằng thế lực Tây Pakistan sẽ nhanh chóng hạ bệ bất kỳ Thủ tướng Pakistan đắc cử nào là người Đông Pakistan, như Khawaja Nazimuddin, Muhammad Ali Bogra, hay Huseyn Shaheed Suhrawardy. Sự ngờ vực của họ càng bị ảnh hưởng do chế độ độc tài quân sự của Ayub Khan (1958– 1969) và Yahya Khan (1969–1971), cả hai đều là người Tây Pakistan. Tình hình lên đến đỉnh điểm vào năm 1970, khi chính đảng Đông Pakistan lớn nhất là Liên minh Awami giành chiến thắng trong tổng tuyển cử quốc gia. Chính đảng này giành được 167 trong số 169 ghế phân cho Đông Pakistan, và do đó chiếm đa số trong số 313 ghế trong Quốc hội. Theo hiến pháp, điều này cho phép Liên minh Awami quyền thành lập một chính phủ. Tuy nhiên, lãnh đạo của Đảng Nhân dân PakistanZulfikar Ali Bhutto (một người Sindh) từ chối cho lãnh đạo của Liên minh Awami là Sheikh Mujibur Rahman trở thành Thủ tướng Pakistan.[30] Thay vào đó, người này đề xuất ý tưởng về việc có hai thủ tướng, mỗi người quản lý một phần. Đề xuất này gây phẫn nộ tại phía đông, vốn đã tức giận trước "một đơn vị". Zulfikar Ali Bhutto cũng từ chối chấp thuận đề xuất Sáu điểm của Sheikh Mujibur Rahman. Ngày 3 tháng 3 năm 1971, hai nhà lãnh đạo của hai phần cùng với Tổng thống Yahya Khan họp tại Dacca để quyết định vận mệnh của quốc gia. Sau khi các cuộc thương thảo không đem lại kết quả khả quan, Sheikh Mujibur Rahman kêu gọi một cuộc đình công toàn quốc. Zulfikar Ali Bhutto lo sợ xảy ra một cuộc nội chiến nên cử Mubashir Hassan thương thảo.[30] Một thông điệp được truyền đi và Sheikh Mujibur Rahman quyết định gặp Zulfikar Ali Bhutto.[30] Cả hai chấp thuận về việc hình thành một chính phủ liên minh với thủ tướng là Sheikh Mujibur Rahman và tổng thống là Zulfikar Ali Bhutto.[30] Tuy nhiên, quân đội không biết về những tiến triển này, và Zulfikar Ali Bhutto gia tăng áp lực với Sheikh Mujibur Rahman để đạt được một quyết định.[30]

Ngày 7 tháng 3 năm 1971, Sheikh Mujibur Rahman phát biểu tại Racecourse Ground (nay gọi là Suhrawardy Udyan). Trong bài phát biểu này ông đề cập đến một điều kiện bốn điểm để xem xét tại kỳ họp Quốc hội vào ngày 25 tháng 3:

  • Ngay lập tức bãi bỏ thiết quân luật.
  • Rút ngay lập tức toàn bộ nhân viên quân sự về doanh trại của họ.
  • Một cuộc điều tra về thiệt hại sinh mạng.
  • Chuyển giao ngay lập tức quyền lực cho các đại diện được bầu của nhân dân trước kỳ họp quốc hội ngày 25 tháng 3.

Phản ứng với Cơn Bão Bhola (1970)

Cơn bão Bhola 1970 đổ bộ vào bờ biển Đông Pakistan trong tối ngày 12 tháng 11, đồng thời với thủy triều cao tại địa phương,[31] ước tính khiến 300.000 đến 500.000 người thiệt mạng. Mặc dù không rõ về tổng thiệt hại về nhân mạng, song nó được cho là cơn bão nhiệt đới chí tử theo các ghi chép.[32] Một tuần sau khi cơn bão Bhola đổ bộ, Tổng thống Yahya Khan thừa nhận rằng chính phủ của ông đã "sơ suất" và "sai lầm" trong việc điều khiển các nỗ lực cứu trợ do thiếu hiểu biết về mức độ của thiên tai.[33]

Mười ngày sau khi cơn bão Bhola đổ bộ, 11 lãnh đạo chính trị tại Đông Pakistan phát hành một bản tuyên bố, trong đó buộc tội chính phủ "xao lãng, vô tình và hoàn toàn lãnh đạm". Họ cũng cáo buộc tổng thống làm giảm tầm quan trọng của vấn đề trong tin tức tường thuật.[34] Ngày 19 tháng 11, các sinh viên tổ chức tuần hành tại Dacca để phản đối việc chính phủ phản ứng chậm.[35]

Do xung đột giữa Đông và Tây Pakistan mở rộng trong tháng 3, các văn phòng tại Dacca của hai tổ chức chính phủ trực tiếp tham gia vào nỗ lực cứu trợ bị đóng cửa trong ít nhất hai tuần, đầu tiên là do tổng đình công và sau đó là lệnh cấm của Liên minh Awami. Do căng thẳng gia tăng, các nhân viên ngoại quốc được rút đi do lo ngại về bạo lực. Công tác cứu trợ vẫn tiếp tục, song các kế hoạch dài hạn bị rút ngắn.[36]

Chiến dịch Đèn pha rọi

Quân đội Pakistan tiến hành một cuộc bình định bằng quân sự có kế hoạch, đặt hiệu là Chiến dịch Đèn pha rọi, bắt đầu vào ngày 25 tháng 3 nhằm kiềm chế phong trào dân tộc chủ nghĩa Bengal[37] nắm quyền kiểm soát các thành phố lớn vào ngày 26 tháng 3, và sau đó tiêu trừ toàn bộ thế lực đối lập về chính trị hay quân sự,[38] trong vòng một tháng. Trước khi bắt đầu chiến dịch, toàn bộ ký giả ngoại quốc bị trục xuất có hệ thống khỏi Đông Pakistan.[39]

Giai đoạn chính của Chiến dịch Đèn pha rọi kết thúc khi thành thị lớn cuối cùng trong tay người Bengal thất thủ vào trung tuần tháng 5. Chiến dịch cũng khởi đầu cho các hành động tàn bạo, với những vụ giết người có hệ thống khiến người Bengal hết sức tức giận. Truyền thông quốc tế và các sách tham khảo bằng tiếng Anh công bố số liệu thương vong khác biệt rất lớn, từ 5.000 đến 35.000 tại Dacca, và 200.000–3.000.000 tại Bangladesh.[40]

Sheikh Mujibur Rahman bị Quân đội Pakistan bắt giữ. Yahya Khan bổ nhiệm Rahimuddin Khan chủ tọa một phiên tòa đặc biệt để truy tố Sheikh Mujibur Rahman với nhiều tội danh. Kết án của tòa chưa từng được công khai, song dù sao Yahya Khan cũng đình chỉ phán quyết. Các lãnh đạo khác của Liên minh Awami cũng bị bắt giữ, trong khi một vài người chạy khỏi Dacca để tránh bị bắt. Yahya Khan ban hành lệnh cấm đối với Liên minh Awami.[41]

Một lãnh đạo của Awami là M A Hannan được thuật là người đầu tiên công bố tuyên bố độc lập trên sóng phát thanh vào ngày 26 tháng 3 năm 1971.[42] Ngày 26 tháng 3 năm 1971 được xem là Ngày Độc lập chính thức của Bangladesh, và tên gọi Bangladesh có hiệu lực kể từ đó. Tháng 7 năm 1971, Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi công khai gọi Đông Pakistan cũ là Bangladesh.[43]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_giải_phóng_Bangladesh http://books.google.com.bd/books?id=bJfcCPUr0OoC&p... http://books.google.com.bd/books?id=sg9XW7MmVoIC&p... http://www.pmo.gov.bd/21february/imld_back.htm http://www.liberationmuseum.org.bd/bangladesh_libe... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/651231/A... http://www.defencejournal.com/2000/oct/yaqub.htm http://www.defencejournal.com/2002/dec/demons.htm http://users.erols.com/mwhite28/warstat2.htm#Bangl... http://books.google.com/books?id=z-aRAwAAQBAJ&pg=P... http://books.google.com/books?vid=ISBN0876091990&i...